Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

XẾP HÀNG VÀO THIÊN ĐƯỜNG

Tháng sáu năm ngoái mình có việc phải về VN gấp. Nhắn tin cho Hà Linh thì nhận được cả một “rừng” email. HL dặn dò cặn kẽ từ việc xin visa, mua vé tàu, và lên kế hoạch cho 18 giờ đợi nối chuyến của mình ở xứ Phù Tang. Hai chị em chưa từng gặp mặt nhau. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ thấy HL là một người vô cùng chu đáo. Đọc những gì HL viết về nước Nhật trong thảm họa vừa qua càng cảm nhận được ở em tấm lòng bao dung và sự quả cảm. Từ nhà HL ra sân bay phải mất hơn một giờ tàu điện. Trừ đi 4 giờ đồng hồ cho việc di chuyển và làm thủ tục bay, mình đã có 14 giờ để hít thở không khí Tokyo và “xâm nhập” cuộc sống của mẹ con HL ở Nhật. Bữa ăn tối ở nhà hàng, tắm tập thể, và một đêm trọn vẹn không ngủ…
Các cụ mình nói “giàu vì bạn” quả cấm có sai. Người Nhật không đo diện tích nhà bằng mét vuông. Phòng ngủ được tính theo số chiếu. Đêm đó có 5 tấm đệm được trải xuống phòng ngủ tầng 1. Chồng của HL đi công tác. Cô bé con chị hàng xóm không hiểu vì lẽ gì mà rất quyến luyến với bác Chung, đã xin phép mẹ cho sang nằm cạnh vì sợ mình sẽ đi sớm mà không kịp gặp lại. Lúc chia tay, nhìn cô bé khóc nức nở mà mình buồn mãi. HL kể, chi phí cho việc học hành của các con chiếm một phần rất lớn trong ngân sách gia đình. Ngoài các buổi học chính khóa, các gia đình còn phải cho con em đi học bơi ở các trung tâm huấn luyện thể thao. Chứng chỉ bơi lội nằm trong các quy định bắt buộc của ngành giáo dục. Trong khu phố của HL, các bậc phụ huynh không cần đưa đón con đi học. Buổi sáng, bọn trẻ tập trung tại một địa điểm quy đinh. Những trò lớn hơn sẽ dắt các em tới lớp. Buổi chiều tan trường, lại vẫn các anh chị lớn hơn đưa các em về. Trên tàu điện ngầm buổi sáng, mình cũng thấy lác đác một số học sinh đeo chiếc balô sách vở nặng trĩu, tự đi một mình đến trường. Tất nhiên là không phải cảnh “mẹ đưa con đi học bằng tàu cao tốc” như phát biểu của mấy bác lãnh đạo VN. Ở New York, phần lớn các gia đình nếu không trực tiếp lái xe đưa con đến trường, đều phải trả tiền cho dịch vụ đưa đón bằng xe buýt. Ấn tượng nhất đối với mình ở Nhật là sự quy củ, trật tự. Buổi sáng, vào giờ cao điểm, các bến tàu điện ngầm chật cứng. Khách đi tàu không nhăm nhe tràn vào toa xe như ở NY. Họ xếp hàng trật tự hai bên cửa toa. Đợi hành khách trên xe ra hết mới lần lượt bước vào.
***
Mình cũng có hơn hai năm làm thuê cho công ty Obayashi của Nhật, xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu công nghiệp Nomura ở Hải Phòng. Ngoài sự tiết kiệm, đòi hỏi cao ở nhân viên, người Nhật còn có tính kỷ luật rất cao và trọng chữ tín. Năm đó công ty của mình bị kiểm toán về chứng chỉ chất lượng ISO 9001 – (International Standard Organisation). Ông giám đốc dự án bắt buộc tất cả nhân viên, tùy từng vị trí, trách nhiệm công việc mà phải thuộc nằm lòng một số điều khoản trong các văn bản quy định của ISO. Đúng ngày giờ quy định, từ phó giám đốc dự án đến nhân viên bảo vệ đều phải “trả bài” trước giám đốc. Tuyệt đối không có trường hợp ngoại lệ. Sếp cũ của mình ở chương trình EC Việt Nam là người Anh. Hết dự án, tất cả nhân viên dưới quyền đều có thư giới thiệu đi tìm việc. Tịnh không thấy một “tỳ vết”. Như thể tụi mình đều là những nhân viên hoàn hảo. Với người Nhật, thư giới thiệu nghĩa là mang uy tín của bản thân ra để đảm bảo cho “chất lượng” một con người. Vì thế ông giám đốc dự án đã chỉ viết thư giới thiệu cho những nhân viên có tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao.
***
Hôm qua, báo chí Nhật đã khẳng định có hơn 18.000 nạn nhân trong thảm họa “ba trong một” vừa qua. Mình hình dung, nếu chỉ có một mình Thánh Peter đón họ ở trên cao kia thì cả 18 ngàn người cũng vẫn trật tự xếp hàng đợi đến lượt bước qua cổng vào Thiên đường. Một dân tộc có kỷ luật cao và lòng tự trọng – đấy là chìa khóa để người Nhật vượt lên từ đống tro tàn, đổ nát cách đây 66 năm. Và bây giờ, họ cũng đang bắt đầu giũ bùn đứng dậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét