Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

SA MẠC CÁT TRẮNG

Chúng tôi đến New Mexico đúng dịp anh Sơn chủ nhà - giáo sư trường Đại học New Mexico  đang đi làm nghiên cứu ở dưới Cali. Em Thanh phải “nghiến răng” thay chồng lái xe bảy chỗ trên đường cao tốc ra tận sân bay đón “phái đoàn” đến từ DC và NY.
Tháng tám, New Mexico đang vào mùa mưa. Ở sa mạc, mưa rơi cũng lạ. Trời đang xanh trong là thế, chỉ cần một vài cơn gió, mây đen đã kéo về vần vũ. Những tia lửa điện nối đất với trời chạy loằng ngoằng ngay trước mắt. Vậy mà tiếng sấm nghe ầm ì như vọng lại từ rất xa xôi. Mưa đổ xuống sầm sập như bão. Những sợi mưa quất lên cửa kính nghe ràn rạt.  Mưa đón đầu phía trước. Mưa đuổi sát sau lưng. Có vẻ như cơn mưa chỉ chạy dọc theo con đường độc đạo giữa sa mạc. Cát, đá hai bên đường  như vẫn khô cong, nắng lóa.


Thanh lên kế hoạch cho chúng tôi đi thăm Sa mạc Cát trắng (White Sands) vào ngày chủ nhật, đúng hôm rằm tháng bảy. Thành phố El Paso có đường biên giới với Mexico nên dân chúng có thể qua lại trong vòng 24 giờ mà không cần visa. Nhưng đi sâu vào nội địa của Mỹ thì phải qua các trạm kiểm soát. Chắc chẳng mấy ai dám đi bộ xuyên qua sa mạc nắng nóng và cằn khô sỏi đá để nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Trước khi đi chơi, anh Sơn đã viết thư dặn chúng tôi 2 điều: 1) Phải mang theo hộ chiếu; 2) Nếu kêu buồn và nóng sẽ bị phạt $100. Tiền phạt có thể “nộp” luôn cho chủ nhà (hi hi). Lúc qua trạm kiểm soát, hai sĩ quan biên phòng yêu cầu chúng tôi dừng xe. Họ hỏi trên xe có ai là công dân Mỹ. Chúng tôi trình đủ 7 hộ chiếu. Riêng Thanh chỉ thông báo với họ là đã có quốc tịch Mỹ mà không cần phải đưa ra một loại giấy tờ nào để chứng minh. Sống ở đây càng lâu tôi càng hiểu ra luật của nước Mỹ tưởng “lỏng” nhưng hóa ra rất chặt. Ở nước mình, bất kỳ giấy tờ nào cũng phải có dấu xác nhận của các cấp chính quyền, từ sơ yếu lý lịch đến chứng nhận hộ nghèo. Hồi các con tôi còn học phổ thông, mỗi năm tôi đều phải kê khai thu nhập để nhà trường phát phiếu ăn cho các cháu. Thu nhập thấp được ăn miễn phí. Thu nhập trên mức trung bình phải đóng $0.5 cho bữa sáng và $1.00 cho bữa trưa. Ai muốn khai bao nhiêu nhà trường cũng chấp nhận. Mới đây nhất khi khai hồ sơ xin thẻ xanh cho con gái tôi cũng không cần ai xác nhận, trừ một tờ thư của cơ quan chứng nhận tôi đang làm việc cho LHQ. Dưới mỗi tờ khai, ai cũng phải cam kết chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin mình cung cấp. Khi cần, các nhà chức trách có thể lật lại hồ sơ và buộc tội. 
Năm giờ chiều, nắng vẫn còn gay gắt. Chúng tôi “câu giờ” - tránh nắng bằng cách chui vào phòng chiếu phim của Văn phòng thông tin hướng dẫn du lịch. Một bộ phim tài liệu dài chừng vài chục phút giới thiệu lịch sử hình thành, điều kiện tự nhiên và các loài cây cỏ, động vật sống trên sa mạc. Giữa bốn bề núi đá, gió thổi vun cát lên thành từng đụn. Rồi cũng chính những ngọn gió lại cuốn cát đi xa. Chỗ hôm trước là đụn cao chênh vênh, hôm sau chỉ còn là bãi phẳng. Để tồn tại được ở nơi khắc nghiệt này, những con thú như chồn, cáo, thằn lằn.. cũng chuyển thành màu trắng. Cây xương rồng có bộ rễ dài hàng mét. Hạt đỗ ở đây biết nhảy (Jumping bean) để không bị chôn vùi. Trong cửa hàng bán đồ lưu niệm, jumping bean được bán trong chiếc hộp nhựa nhỏ xíu, xinh xắn. Người bán hàng giải thích, chúng sẽ còn tiếp tục nhảy trong vài tháng tiếp theo.
Trước khi tiến vào sa mạc, chúng tôi được nhắc nhở mỗi người phải mang theo 5 galon nước uống. Nghe nói lâu rồi, ở đây từng có du khách đi lạc bị chết khát. Mấy ngày sau mọi người mới phát hiện ra. Trên xe, chúng tôi mang theo cả bữa tối để đợi trăng lên. Nước uống đóng chai bỏ trong thùng lạnh. Ở nơi công cộng, đồ uống có cồn bị nghiêm cấm.
Trên diện tích 275 dặm vuông, những đụn cát trải dài, nhấp nhô, trắng lấp lóa như tuyết trong xứ sở của ông già Noel. Chỉ cần đi chệch khỏi tuyến đường chính chừng vài trăm mét, bạn có thể không xác định nổi phương hướng giữa mênh mông - trắng xóa. Chúng tôi đến khi trời còn đang nắng. Cát ấm nóng, mịn màng, mơn man bàn chân. Cát đập vào bụng chân rát rạt mỗi khi có gió. Cát chảy chầm chậm khi bàn chân vượt dốc. Cát cứa sắc như thủy tinh sau khi bị mặt trời vắt kiệt những giọt nước mưa ở nơi đất bằng.

Đang là mùa hè, lại đúng ngày cuối tuần, khách tham quan rất đông. Gần chỗ chúng tôi đậu xe có một nhóm tình nguyện viên đưa những người tàn tật đi tham quan. Một vài người được đẩy đi trên xe lăn. Một số gương mặt ngác ngơ, ngây dại. Một người đàn ông mắc hội chứng đao được mọi người cổ vũ ngồi trên chiếc đĩa nhựa trượt từ trên đỉnh đụn cát cao chừng 3-4 mét xuống mặt đất bằng. Thấy chúng tôi vỗ tay hoan nghênh, anh cười rạng rỡ như đứa trẻ lần đầu tiên tự làm được một việc phi thường. Người tàn tật ở Mỹ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên. Trên các phương tiện giao thông công công, tại những chiếc ghế gần cửa lên xuống, bạn thường xuyên gặp dòng chữ: “Hãy nhường chỗ ngồi này cho người già và người tàn tật. Đây không chỉ là sự lịch thiệp mà còn được quy định bởi pháp luật”.

Thiền (mà tâm chưa tĩnh)

Lang thang trên cát

Giữa mênh mông cát trắng sa mạc mới thấy con người thật nhỏ bé.

…. và ước muốn không lẻ loi
Hơn tám giờ tối trăng mới lên. Ở sa mạc trăng dường như to hơn, sáng hơn. Ánh trăng vàng và lạnh. Chúng tôi chọn một căn lều ngay dưới chân đụn cát ngồi ăn bánh mỳ kẹp thịt với rau quả tươi. Bọn trẻ nhà anh Hiệu Minh mải mê trượt cát. Hai người đàn ông trong đoàn tranh thủ ăn rồi mang máy đi “săn” ảnh chị Hằng. Bốn người đàn bà U60 và U50 ngồi bên nhau im lặng. Cát lấp lánh như tuyết ấm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét